Chào mừng bạn đến với chúng tôi

Đây là địa chỉ chính thức quảng bá và giới thiệu nhãn hiệu tập thể Dược liệu Sóc Sơn đã được bảo hộ.

Liên hệ ngay

Vui lòng liên hệ với chúng tôi để cùng hợp tác

CHẤT LƯỢNG

Dược liệu Sóc Sơn luôn đảm bảo chất lượng vượt trội và uy tín trên thị trường.

NHANH CHÓNG

Các hệ thống phân phối chính thức trên cả nước giúp thuận tiện trong bán buôn và bán lẻ.

XUẤT KHẨU

Sản phẩm sẵn sàng để cung cấp cho các thị trường ngoài nước. Liên hệ ngay để được trợ giúp.

Thông tin

Bài mới

03/04/2025

16 loại cây dược liệu nào được Hà Nội ưu tiên phát triển?

Thành phố Hà Nội có nguồn cây dược liệu phong phú, song tài nguyên này đang bị lãng quên. Để khai thác hiệu quả nguồn dược liệu, cần xây dựng chiến lược riêng cho cây dược liệu và đưa cây dược liệu thành cây trồng chủ lực.

Chăm sóc cây dược liệu tại Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Minh Phong

Trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu, như: Tam thất, diệp hạ châu… Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Việt Nam Đỗ Thế Lộc, Ba Vì là huyện miền núi của Thủ đô có nguồn tài nguyên hết sức phong phú. Những cây thuốc của đồng bào dân tộc rất quý, đã được minh chứng trong chữa bệnh.

Còn theo ông Đặng Văn Yên, xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), gia đình ông có 7ha trồng cây dược liệu. Cây dược liệu của gia đình ông được trồng dưới sự giám sát của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn. Hợp tác xã không chỉ hỗ trợ về giống, mà còn hướng dẫn kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm. Chính vì vậy, cây dược liệu đã mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha/năm trở lên, gấp 3 lần cây trồng khác.

Hiện tại, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn đã mở rộng và xây dựng thành công mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ. Nhiều sản phẩm chế biến của hợp tác xã còn xuất khẩu sang Nhật Bản, được thị trường Nhật Bản đánh giá cao. Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thị Tuyền cho biết, không chỉ trồng các cây dược liệu truyền thống, huyện Sóc Sơn còn mạnh dạn đưa giống cây dược liệu mới vào trồng, như cây ngưu bàng có xuất xứ từ Nhật Bản. Củ ngưu bàng được thu mua để làm xì dầu và thực phẩm, với giá 90.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 400kg/sào, trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được khoảng 20 triệu đồng/sào. So với canh tác lúa và một số cây trồng truyền thống khác, giá trị cao gấp hàng chục lần.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (thị xã Sơn Tây) Uông Thị Tuyết Nhung thông tin, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 3ha. Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ 50% cây giống với định mức 400.000 cây/ha; hỗ trợ 50% khối lượng vật tư, phân bón... Kết quả canh tác đạt năng suất 8,5 tấn sản phẩm tươi/ha (tương đương 1,2 tấn khô/ha), với giá bán 600 triệu đồng/tấn khô, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng/ha.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 250ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu tại các huyện, thị xã: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Đông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì. Các chủng loại cây dược liệu tương đối đa dạng, như: Cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, chè hoa vàng, hoa nhài... Đặc biệt, nguồn gen dược liệu được trồng trên địa bàn Hà Nội khá đa dạng, với hơn 170 nguồn gen, được gieo trồng tập trung ở huyện Sóc Sơn và huyện Ba Vì. Đây là hai huyện có rừng, điều kiện khí hậu thích hợp cho sự phát triển của các loại cây dược liệu. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu của Hà Nội còn manh mún, tự phát, chưa đúng với thế mạnh, tiềm năng. Phát triển cây dược liệu của Hà Nội chưa gắn với chế biến, sản xuất, chủ yếu bán thô nên hiệu quả chưa cao.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400ha vào năm 2025 và 1.000ha vào năm 2030. Để bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây dược liệu, thành phố vừa ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024-2025. Thành phố Hà Nội ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu, gồm: Trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chi, nghệ vàng, gừng, đông trùng hạ thảo.

“Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo rà soát, xây dựng chi tiết vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loài dược liệu ở từng địa bàn xã, gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Đồng thời, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới...”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin.

25/08/2023

HỢP TÁC XÃ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU SÓC SƠN VINH DỰ NHẬN GIẢI THƯỞNG TOP 20 THƯƠNG HIỆU NỔI TIẾNG HÀNG ĐẦU NĂM 2023

  Ngày 19 tháng 08 năm 2023 tại Hà Nội đã diễn ra chương trình truyền thông quảng bá “Thương hiệu nổi tiếng, Hàng Việt Tốt – dịch vụ hoàn hảo, Doanh Nhân Trí Thức Tiêu Biểu Việt Nam 2023 ”để trao chứng nhận và bảng vàng cho các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng của các doanh nghiệp trên cả nước phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền Hình Hà Nội.



Vượt qua hàng nghìn hồ sơ, trải qua một quá trình làm việc nghiêm túc, công tâm, khách quan của Hội đồng bình chọn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan, tổ chức, đã chọn ra những thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu để tham gia vào buổi lễ trao giải. Trong đó, HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đã vinh dự được bình chọn nằm trong TOP 20 thương hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam năm 2023.


HTX Bảo tồn và phát triển Dược liệu Sóc Sơn là tổ chức kinh tế tập thể tại huyện Sóc Sơn, chuyên nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các giống dược liệu quý, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Sóc Sơn nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung. HTX là một trong những mô hình kinh tế cộng đồng tiêu biểu của huyện Sóc Sơn, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân trong huyện.

Giải thưởng là sự ghi nhận đối với những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ nhiều năm vừa qua của các thành viên HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn, đồng thời cũng là niềm tự hào của những người ngày đêm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện.

Giải thưởng TOP 20 thương hiệu nổi tiếng hàng đầu Việt Nam năm 2023 là động lực để HTX bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn có thêm nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng, và nghiên cứu bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý tại huyện Sóc Sơn.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

12/08/2021

Vườn dược liệu Sóc Sơn


Vườn dược liệu trồng và bảo tồn các loại dược liệu quý, hiếm theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên, để cây thuốc có đủ tính dược - an toàn, tốt cho môi trường và sức khoẻ con người - liên hệ:0913247811




Đánh thức tiềm năng vùng dược liệu Sóc Sơn

Khai thác lợi thế vùng đất đồi gò, bán sơn địa, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh phát triển mô hình trồng cây dược liệu, giúp nông dân từng bước thoát nghèo.
Trợ lực nhân rộng vùng cây dược liệu
Trước năm 2015, diện tích trồng cây dược liệu của huyện Sóc Sơn phân bố rải rác trên địa bàn các xã Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú với tổng diện tích khoảng 15ha, chủ yếu là nhân trần, thanh hao hoa vàng. Kỹ thuật thâm canh chưa được áp dụng khiến mô hình trồng cây dược liệu thiếu tính bền vững, đầu ra cho sản phẩm và thu nhập của nông dân chưa ổn định.
Hình ảnh cây rẻ quạt được trồng làm cảnh trong thiên nhiên

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, để khai thác tiềm năng của cây dược liệu, từ năm 2015 đến nay, huyện Sóc Sơn đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển. Đơn cử như năm 2015, huyện đã hỗ trợ 100% giống và phân bón cho 1ha trồng chè hoa vàng tại xã Bắc Sơn. Những năm sau đó, huyện tiếp tục hỗ trợ giống và phân bón cho 6ha cây ba kích tím tại xã Minh Trí; 2ha dược liệu tại các xã Bắc Sơn, Xuân Giang, Trung Giã.
Ngoài ra, huyện còn có hỗ trợ khung thép, màng lưới phục vụ xây lắp, làm vườn; kinh phí để mua máy sấy nhiệt lạnh phục vụ công tác sơ chế dược liệu. Hiện, UBND huyện Sóc Sơn đang tiến hành khảo sát, đánh giá, tiến tới hỗ trợ thí điểm hệ thống tưới tự động cho vùng chuyên canh cây dược liệu tại xã Bắc Sơn.
Mong một nhãn hiệu tâp thể
Theo thống kê, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện vào khoảng 66ha. Nhờ áp dụng tổng thể các biện pháp kỹ thuật về giống thuần chủng, thâm canh, cơ giới hóa sản xuất, chế biến, giá trị từ cây dược liệu mang lại đạt 280 - 420 triệu đồng/ha. Đối với những diện tích cây dược liệu canh tác hữu cơ, giá trị mang lại cao hơn từ 1,5 - 2 lần. Qua đó, đời sống của người nông dân được cải thiện đáng kể.
Mặc dù vậy, việc phát triển vùng cây dược liệu vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như diện tích gieo trồng nằm phân tán tại nhiều địa phương. Cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn. Huyện cũng chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ xây dựng vườn bảo tồn cây giống gốc. Công nghệ bảo quản, chế biến cây dược liệu nhìn chung còn hạn chế…
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, trong những năm tới, địa phương định hướng tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh cây dược liệu; từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu, kết hợp với du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh. Phấn đấu xây dựng huyện Sóc Sơn trở thành Trung tâm du lịch sinh thái trải nghiệm kết hợp chăm sóc sức khỏe từ các sản phẩm thảo dược.
Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị các sở, ban ngành của TP Hà Nội có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, vốn vay tín dụng để thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thảo dược. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí xây dựng và xúc tiến thương mại nhãn hiệu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn”. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để đánh thức tiềm năng cho vùng cây dược liệu tại huyện Sóc Sơn, giúp người dân ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/danh-thuc-tiem-nang-vung-duoc-lieu-soc-son-414406.html

HTX Bảo tồn dược liệu Sóc Sơn phối hợp với UBND xã Bắc Sơn, xã Xuân Giang tri ân các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Sóc Sơn nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, nhân kỷ niệm 73 năm ngày thương bình liệt sỹ 27 tháng 7,  Hợp tác xã Bảo tồn Dược liệu huyện Sóc Sơn phối hợp với Công  ty cổ phần Dược  Hoàng Giang  và xã Bắc Sơn, Xuân Giang  tổ chức chương trình khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

HTX bảo tồn dược liệu huyện Sóc Sơn khám,cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách tại xã Xuân Giang.
HTX bảo tồn dược liệu huyện Sóc Sơn khám,cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách tại xã Bắc Sơn

Tại đây gần 500 đối tượng chính sách là thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, thân nhân liệt sỹ đã được tổng  kiểm tra sức khỏe như đo huyết áp, tim mạch,  khám tai mũi họng và được cấp thuốc miền phí  phù hợp với sức khỏe của mỗi người. Đây là việc làm rất có ý nghĩa nhằm quan tâm, chăm  lo đến đối tượng chính sách, người có công với các mạng trên địa bàn.

Việc khám bệnh, cấp thuốc không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các tổ chức đơn vị đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, mà còn giúp họ được thăm khám, phát hiện bệnh tật và được cấp thuốc điều trị kịp thời, phù hợp với thể trạng bệnh của từng người. 

Một số hình ảnh khám, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách xã Xuân Giang.



Một số hình ảnh khám, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách xã Bắc Sơn.



Thu Thủy- Trung tâm VHTT&TT Sóc Sơn


Nguồn: https://socson.hanoi.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/-/asset_publisher/LUd5kC4xHoJm/content/htx-bao-ton-duoc-lieu-soc-son-phoi-hop-voi-ubnd-xa-bac-son-xa-xuan-giang-tri-an-cac-gia-inh-chinh-sach-tren-ia-ban-huyen-soc-son-nhan-dip-ky-niem-73-n

Cây dược liệu - “mỏ vàng” cần khai mở

Thời gian gần đây, các sản phẩm dược liệu hữu cơ của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng lựa chọn.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền - một trong những người đầu tiên gắn bó với dược liệu hữu cơ Sóc Sơn, chia sẻ: "Trồng dược liệu hữu cơ rất nhọc nhằn, nông dân phải nói không với các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sản lượng không cao như phương pháp canh tác truyền thống. Bù lại, khi nông dân, hợp tác xã thực hiện tốt, khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm thì đó là con đường phát triển kinh tế bền vững cho các vùng khó khăn".

Thời gian qua, các vườn dược liệu của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn đã thu hút hàng nghìn người đến tham quan, không chỉ để mua các sản phẩm mà còn được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng. Nếu như năm 2015, toàn huyện Sóc Sơn mới chỉ có 15ha cây dược liệu với chủng loại chủ yếu là nhân trần và thanh hao hoa vàng, thì với Chương trình hỗ trợ phát triển cây dược liệu của huyện về giống, xây dựng nhãn hiệu sở hữu tập thể “Cây dược liệu Sóc Sơn”… đã có những bước chuyển quan trọng.

Theo đó, đến nay, giá trị cây dược liệu hữu cơ đã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với phương pháp truyền thống, tổng diện tích đã đạt 48ha; có 29 loài với nhiều loại dược liệu quý như: Trà hoa vàng, kim ngân hoa, cát sâm, rẻ quạt, hồng hoa, mộc hoa… Bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện thu nhập dược liệu của huyện đã đạt 280-420 triệu đồng/ha, nhờ vậy đời sống người dân được nâng cao.

Cây cát sâm chính là loại sâm nam có nhiều công dụng quý

Còn tại huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Ao Vua đã đầu tư công viên thảo dược, từ chỗ gần 400 loài nay đã quy tụ được gần 1.000 loài thảo dược quý. Đây là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên của cả nước mạnh dạn xây dựng một công viên thảo dược quy mô, bài bản. Tại công viên thảo dược này, nhiều loài chỉ có trong sách đỏ đã được công ty dày công sưu tầm để trồng, chăm sóc, phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, công ty đang có chương trình hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản để xây dựng, phát triển vùng dược liệu. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ mở ra một hướng mới trong việc phát triển cây dược liệu của Hà Nội và các vùng phụ cận.

Tại Hà Nội, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân ở các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… phát triển, bảo tồn cây dược liệu. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thời gian qua, các sở Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt nhiều đề tài nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực cơ bản và ứng dụng, nâng cao kỹ thuật trồng trọt, phát triển, thuần hóa các giống cây dược liệu bản địa; sản xuất chế phẩm thuốc từ dược liệu, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn...

“Tuy nhiên, để cây dược liệu phát triển tương xứng với tiềm năng, khai mở "mỏ vàng" này hiệu quả hơn nữa, rất cần các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng vào cuộc, thực hiện theo chiến lược bài bản, khoa học. Qua đó, thu hút nhiều nhà đầu tư kết hợp với công nghệ tiên tiến để lĩnh vực này phát triển rõ nét và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

 
Xem thêm

Điểm tin

Cần xem